Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tối 5/5, Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) với chủ đề “Dưới lá cờ Quyết Thắng” được Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các địa phương truyền hình trực tiếp từ 5 điểm cầu: Hà Nội, Điện Biên, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh và Kon Tum.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: DN
Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum (được tổ chức tại nhà rông Kon K’lor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân - Quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại trung ương; Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ.
Về phía tỉnh Kon Tum có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; A Pớt – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống tại tỉnh Kon Tum; lãnh đạo các sở, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, các huyện, thành phố; đông đảo nghệ nhân và nhân dân trong tỉnh.
Cờ đỏ sao vàng tại điểm cầu tỉnh Kon Tum. Ảnh: DN
Chương trình cầu truyền hình gồm 3 phần: Giao lưu nhân chứng lịch sử, chiếu phim tư liệu phóng sự và tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua chương trình nghệ thuật.
Với thời lượng hơn 110 phút, cầu truyền hình đã đưa khán giả trở lại năm tháng hào hùng với những ký ức không thể nào quên của một thời bom đạn. Những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại và hồi tưởng quá khứ, giữa nghệ thuật và phân tích, đánh giá.
Các điểm cầu ghép lại thành một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”: Điểm cầu Điện Biên là sân khấu chính, truyền tải những nét phác thảo chính bức tranh Chiến thắng Điện Biên Phủ; Điểm cầu Hà Nội mang tới một nét riêng của Thủ đô anh hùng; Điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh là câu chuyện về quân dân miền Nam chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ; Điểm cầu Thanh Hóa với những đại cảnh hoành tráng và gặp gỡ nhân chứng lịch sử, đã đi qua những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”…
Tại điểm cầu Kon Tum có sự tham gia của NSND Rơ Chăm Phiang, ca sĩ Y Garia và 230 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên quần chúng với những ca khúc, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và đại cảnh màn đồng diễn của người dân với 140 ngọn đuốc trên tay thể hiện sự đồng tâm, hiệp lực của ý Đảng, lòng dân trong công cuộc kháng chiến, tạo nên không gian đậm chất sử thi Tây Nguyên.
Cách đây 70 năm, Kon Tum là điểm nổ tiếng súng đầu tiên trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Đông Xuân 1953 - 1954, chia lửa với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng quan trọng ở mặt trận Bắc Tây Nguyên, tiến đến chiến thắng lịch sử ở mặt trận Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Phần Chương trình nghệ thuật tại các điểm cầu có sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ với những bài ca đi cùng năm tháng như Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Qua miền Tây Bắc, Chiến thắng Điện Biên, Giai điệu Tổ quốc…
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa và kỷ niệm chương đến các nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: DN
Kết thúc cầu truyền hình, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng những bó hoa tươi thắm và kỷ niệm chương đến các nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước tại các điểm cầu.